Tác giả Dantrionline -18th May 2017
Trong quá trình cải tạo hồ ở cụm 13, thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (Hà Nội), đơn vị thi công không có rào chắn và biển cảnh báo nguy hiểm, khiến bé gái 5 tuổi bị ngã xuống hồ chết đuối. Điều đáng nói, kể từ khi xảy ra sự việc, đơn vị thi công chưa có một lời thăm hỏi, chia buồn hay xin lỗi đến gia đình bé gái bị nạn.
Sau khi xảy ra vụ đuối nước, đơn vị thi công mới làm rào chắn bằng bạt và đặt biển cảnh báo công trường đang thi công.
Cái chết thương tâm
Ngày 11.5, bé gái tên Nguyễn Khánh Trúc bị đuối nước do ngã xuống hồ đang thi công dở của dự án hồ cụm 13. Gần một tuần trôi qua, nhưng người dân nơi xóm nhỏ không khỏi đau đớn trước cái chết oan uổng của cháu bé 5 tuổi, do đơn vị thi công làm ăn cẩu thả và tắc trách.
Quyệt ngang giọt nước mắt, bố cháu bé anh Nguyễn Khánh Toàn kể, như mọi hôm, anh vẫn nghĩ con gái mình qua chơi nhà chú bác bên cạnh. Chiều tối, khi đi làm về, anh sang tìm nhưng không thấy cháu đâu. Linh tính có chuyện chẳng lành, anh Toàn nhờ loa truyền thanh phát thông tin tìm cháu. Sau đó, có người nói, thấy cháu Trúc chơi ở khu vực cụm hồ 13. Khoảng 20h, gia đình đến nơi thì phát hiện thi thể bé nổi sát mép hồ.
“Tôi đã ra hồ tìm 3 đến 4 lần nhưng không thấy con. Em họ tôi bảo rằng: “Ban chiều thấy con bé chơi ở đấy”. Nghe câu nói đó, trong vô thức, tôi bỗng thấy chột dạ, liền cầm đèn chạy ra. Tôi bần thần và đau đớn tột độ khi thấy xác của con nổi trên mặt hồ. Thời điểm đó, tôi không nghĩ được gì cả, vội ôm lấy con, gào thét!”.
Cũng theo anh Toàn, kể từ khi sự việc xảy ra đến nay, gia đình chưa nhận được một lời chia buồn, xin lỗi hay động viên từ phía đơn vị thi công, mà chỉ có sự xuất hiện của UBND xã Vĩnh Quỳnh cùng một số ban, ngành, đoàn thể ở thôn.
“Họ là đơn vị thi công, khi xảy ra tai nạn ở công trình của mình, chí ít cũng phải đến động viên hay có lời xin lỗi gia quyến. Tuy nhiên, họ không có bất cứ lời động viên, thăm hỏi nào. Xét về tình, tôi thấy việc này không chấp nhận được”, chị Nguyễn Thị Liên (mẹ bé Trúc) nói.
Bố cháu bé tường thuật lại sự việc cho PV
Dùng bạt làm rào chắn để đối phó?
Được biết, chủ thầu thi công dự án cải tạo hồ công trình là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Quốc tế Việt. Sau khi cho đổ đất xung quanh vào giữa năm 2016, đến thời điểm Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, dự án đột ngột dừng thi công không rõ lý do. Dù khu vực này thuộc trung tâm của thôn, nhưng toàn bộ công trường không có rào chắn, biển cấm hay bất cứ cảnh báo nguy hiểm nào.
Một người dân ở đây cho hay, trước khi làm công trình này, nhiều người đã lập rào chắn rất cao và chắc chắn để tránh cho trẻ em trong khu ra đây chơi. Năm 2016, con đường quanh hồ được đổ bê tông theo chính sách nông thôn mới. Bà con còn xây hẳn bức chắn cao 50cm và kê ghế đá xung quanh, nhưng khi bắt đầu thi công chủ công trình đã dùng máy xúc phá bỏ bức chắn này.
“Hồ này vốn rất sâu và rộng, nhưng 30 năm nay chưa từng xảy ra vụ đuối nước nào. Trong quá trình cải tạo, khu vực hồ trở nên tan hoang do chủ đầu tư và đơn vị thi công không làm đến nơi đến chốn. Đặc biệt, khu vực thi công còn không lắp rào chắn hay bất cứ cảnh báo nguy hiểm nào”, anh Hùng (người dân thôn Vĩnh Ninh) cho hay.
Giải thích về việc, tại sao dự án đang thi công lại không có rào chắn, bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh nói: “Trước kia, dự án này có biển báo, nhưng hiện tại công trình đang tạm dừng thi công nên dỡ bỏ biển đó đi”.
Theo bà Hồng, sau khi xảy ra sự việc đau lòng, chính quyền xã đã đề nghị đơn vị thi công thực hiện các biện pháp an toàn như làm biển cảnh báo, rào chắn tại công trình này.
Thế nhưng, ghi nhận tại hiện trường cho thấy, rào chắn chỉ là tấm bạt mỏng, lắp đặt gần sát mép hồ và được làm theo kiểu đối phó, rất nguy hiểm.
(An Bình/Tổng Hợp)